Đà Nẵng đặc trưng với 6 bãi biển, 5 cây cầu, 4 ngôi chùa và 3 ngọn núi đều là những địa danh nổi tiếng cả nước. Bạn nhất định phải đi hết những nơi này thì mới coi là đi hết Đà Thành.
6 Biển:
Biển Mỹ Khê
Tạp chí kinh tế hàng đầu của Mỹ Forbes đã bình chọn bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Có thể nói, bãi biển Mỹ Khê đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí bình chọn cơ bản của Forbes, như: Bãi biển Mỹ Khê thuận tiện về giao thông, bãi biển mở miễn phí cho tất cả du khách, Bãi Biển có bờ cát dài và phẳng, ánh nắng và mức sóng phù hợp cho việc chơi các môn thể thao, có khả năng đảm bảo an toàn cho du khách, có các khu nghỉ dưỡng hạng sang, các biệt thự đạt tiêu chuẩn quốc tế…
Rạn Nam Ô
Theo người địa phương, tên gọi Nam Ô có nghĩa là ở phía Nam của châu Ô xưa. Bãi Nam Ô có độ dốc vừa phải, lại men theo chân núi. Núi soi bóng trên nền biển xanh, cát trắng, lưa thưa vài dây muống biển nên phong cảnh nơi đây đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Từ bãi tắm Nam Ô, du khách có thể xuôi về bán đảo Sơn Trà bằng đường núi hoặc dùng thuyền ngược về hướng Tây, thăm làng dân tộc Kà-Tu ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.
Biển Sơn Trà
Đến ven biển của bán đảo Sơn Trà có 3 bãi tắm nổi tiếng như bãi Bắc, bãi Nam và bãi Bụt. Ngoài tắm biển, du khách đến đây để khám phá rừng nguyên sinh với hệ động thực vật rất phong phú của bán đảo hay những rặng san hô lớn và tuyệt đẹp dưới đáy biển. Hay dong thuyền thúng câu cá, câu mực.
Bãi Xuân Thiều
Ít ai ngờ rằng bãi tắm luôn sạch, đẹp cát trắng mịn, nước biển lúc nào cũng xanh ngăn ngắt này còn có một cái tên gọi khác là “Red Beach” (Biển Đỏ). Nhưng nếu đến đây vào lúc bình minh hay hoàng hôn, khi mặt trời phản chiếu ánh sáng trên mặt nước, khiến cả bãi biển có màu đỏ rực, bắt mắt, sẽ hiểu nguyên nhân của tên gọi.
Bãi Bắc Mỹ An
Khu vực Bắc Mỹ An có năm điểm được xem là bãi tắm đẹp gồm: bãi tắm T18, Mỹ Đa Đông 2, Mỹ Đa Đông 3, Bắc Mỹ An và khu vực khách sạn Furama với sức chứa khoảng 8.000 khách/ngày. Khi đến đây, du khách thường nhầm tưởng chỉ có một khu du lịch Furama, nên khá e ngại tình hình tài chính của mình. Thật ra, nếu chịu khó quan sát, xung quanh bãi biển có một số khách sạn và dịch vụ giá mềm dành cho du khách bình dân hay thích khám phá.
Bãi Non Nước
Bãi tắm Non Nước trải dài như một vòng cung xanh nằm dọc chân núi Ngũ Hành Sơn, có độ dốc thoai thoải, sóng êm, cát trắng. Đến với Non Nước, ngoài việc nghỉ ngơi, tắm biển, thưởng thức các món hải sản tươi ngon, du khách còn có thể kết hợp viếng thăm thắng tích Ngũ Hành Sơn, làng đá mỹ nghệ hoặc làm một cuộc du thuyền trên sông Cổ Cò.
Đặc biệt, rừng phi lao nhiều năm tuổi tại bờ biển là nơi nghỉ ngơi, cắm trại, dã ngoại lý tưởng. Không một ai có thể quên được cảm giác miên man của một đêm trăng, thả mình trên bãi biển, nghe thênh thang đất trời, nghe tiếng sóng vỗ, nghe đồi dương thì thầm.
5 Cầu
Cầu Rồng
Nổi tiếng nhất hiện nay có lẽ là cầu Rồng, đây là cây cầu được khánh thành vào năm 2013, nối dài giữa đường Nguyễn Văn Linh (từ sân bay) qua đường Võ Văn Kiệt (ra biển).
Nét đặc trưng của cầu Rồng là nằm ngay trung tâm thành phố và có sự kiện tối thứ 7 và tối chủ nhật (8.30 – 9h) thì ở đầu rồng có phun lửa và phun nước phục vụ du khách tham quan.
Cầu quay Sông Hàn
Nổi tiếng thứ hai có lẽ là cầu Sông Hàn, cầu Sông Hàn được khánh thành năm 2000 là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam.
Gọi là cầu quay vị ở chính giữa cầu có một trục lớn có thể quay cây cầu ra 2 bên để tàu lớn có thể ra vào. Hằng ngày vào khoảng 1h khuya thì cầu sẽ quay (tháng 09/2015 Thành phố Đà Nẵng đang có chủ trương sẽ cho cầu quay sớm hơn để phục vụ du khách).
Cầu Sông Hàn là cây cầu lâu đời nhất trong những cây cầu mới hiện đại sau này. Cầu Sông Hàn một thời là biểu tượng của thành phố Đà Nẵng.
Cầu Trần Thị Lý
Cầu Trần Thị Lý vốn là cầu đường sắt, thời Pháp thuộc cầu được gọi là De Lattre de Tassigny, sau đó đổi tên thành cầu Trịnh Minh Thế, nằm cách cầu Nguyễn Văn Trỗi khoảng 20m về phía thượng lưu. Sau năm 1975, cầu được đặt tên là cầu Trần Thị Lý, và được nâng cấp thành cầu đường bộ.
Bên cạnh cầu Trần Thị Lý, vẫn có cây cầu Nguyễn Văn Trỗi, vàng, cũ kỹ, không cho xe lưu thông để đó (chưa rõ Tp.Đà Nẵng có kế hoạch cụ thể gì đối với cây cầu Nguyễn Văn Trỗi khi bên cạnh đã có cây cầu Trần Thị Lý đẹp rạng ngời).
Cầu Thuận Phước
Cầu Thuận Phước là cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam bắc qua 2 bờ sông Hàn đổ ra Vịnh Đà Nẵng. Cầu có tổng chiều dài 1.856m, trong đó phần cầu treo dây võng dài 655m và phần cầu dẫn phía hai đầu Thuận Phước và Sơn Trà mỗi bên dài 600m. Cầu rộng 18m với 4 làn xe (ô tô và xe máy), 2 lối đi bộ và 2 lối đi dành cho xe đạp và xe thô sơ.
Cầu Tình Yêu
Sau khi tượng cá chép hóa rồng được khánh thành, một chiếc “cầu tàu tình yêu” đã được xây dựng tại bờ sông Hàn (TP Đà Nẵng). Cây cầu trái tim với những ổ khóa dễ thương trên thành cầu là địa điểm tham quan thú vị và lãng mạn cho những đôi uyên ương.
4 Chùa
Chùa Linh Ứng Sơn Trà
Ngôi chùa Linh Ứng được biết đến nhiều nhất tại Đà Nẵng nằm trên bán đảo Sơn Trà. Từ trung tâm thành phố, du khách có thể đi qua cầu sông Hàn rồi rẽ trái hoặc theo hướng cầu Thuận Phước khoảng 10 km về hướng đông bắc là tới. Chùa tọa lạc tại vị trí rất đẹp, trên một ngọn đồi ở độ cao gần 700 m, sau lưng là cánh rừng nguyên sinh và hướng mặt ra biển.
Chùa Linh Ứng Bà Nà
Chùa Linh Ứng trên đỉnh Bà Nà nằm ở độ cao gần 1.500 m. So với công trình ở bán đảo Sơn Trà, chùa ở đây có phần cổ kính hơn, gợi nhớ hình ảnh của đền chùa Bắc Bộ với mái ngói vút cong, khoảng sân rộng lát đá phía trước và những hàng cột hoa văn rồng cuốn.
Chùa Tam Thai Ngũ Hành Sơn
Chùa Tam Thai là ngôi chùa cổ được dựng vào thời Hậu Lê. Thiền sư Hưng Liên, pháp danh Quả Hoằng, từ Trung Quốc sang, đã trụ trì chùa vào cuối thế kỷ XVII. Thời gian này, năm 1695, Thiền sư Thạch Liêm Thích Đại Sán có ghé viếng chùa, cảm tác bài thơ vịnh núi Tam Thai, ca ngợi cảnh động Hoa Nghiêm phía sau chùa.
Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn
Cũng như hai ngôi chùa trên, trong khuôn viên chùa Linh Ứng cũng đặt một bức tượng Phật trắng muốt, lưng tựa núi, hướng mặt về phía chùa, tạo nên một không gian thanh tịnh. Đặc biệt, tại đây còn có một tháp Xá lợi đặt thờ hàng trăm tượng Phật, Bồ Tát, La Hán…. Trong đó, tầng 7 thờ Xá lợi Phật và 7 vị Phật truyền đăng.
3 Núi
Núi Sơn Trà
Bán đảo Sơn Trà còn có tên là núi Tiên Sa, gắn liền với truyền thuyết cảnh đẹp nơi đây đã quyến rũ các nàng tiên trên trời giáng trần xuống đây để vui chơi và thưởng ngoạn. Năm 1965, khi đặt trạm thông tin và ra đa trên núi Sơn Trà, quân Mỹ gặp rất nhiều loài khỉ sống thành từng bầy nên đặt tên núi là núi Khỉ (Monkey Mountain). Sơn Trà không chỉ giúp Đà Nẵng trở thành một khu an toàn về hàng hải mà còn là đài khí tượng thuỷ văn cho cư dân trong vùng qua các câu ca dao.
Núi Ngũ Hành Sơn
Quần thể thắng cảnh Ngũ Hành Sơn nằm trên địa phận xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 8km về phía đông nam, ngay trên tuyến đường Đà Nẵng- Hội An. Những núi đá vôi nằm rải rác trên diện tích khoảng 2km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thổ Sơn, Thủy Sơn và Hỏa Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền bên trong. Trong các ngọn núi, Thủy Sơn là hòn lớn nhất và cũng kiều diễm nhất. Núi cao 106m, có 3 ngọn ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao (Tam Thai). Đây là nơi tập trung nhiều hang động, chùa chiền nhất.
Núi Bà Nà
Bà Nà là dãy núi đẹp nhất Đà Nẵng, cách Thành Phố 25km về phía Tây Nam. Một ngày nơi Bà Nà du khách có thể tận hưởng 4 mùa: xuân – hạ – thu – đông và được ngắm nhìn toàn bộ Thành Phố Đà Nẵng từ những cầu, con sông, biển…
Kỷ lục thế giới mà Bà Nà dành được đó là cáp treo dài nhất có độ cao gần 1400m, du khách khi ngồi lên cáp treo có thể nhìn thấy “lá phổi xanh” của miền Trung, nghe tiếng chim hót, tiếng chảy róc rách của con
Nguồn: Tôi yêu Đà Nẵng