Thành phố Đà Nẵng nằm ở miền Trung Việt Nam với khoảng cách gần như chia đều giữa thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đà Nẵng còn là trung tâm của 3 di sản văn hóa thế giới là Cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên – Huế, Tây và Nam giáp tỉnh Quảng Nam, Đông giáp Biển Đông. Đà Nẵng nằm ở trung độ đất nước, trên trục giao thông Bắc – Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và điểm cuối của Hành lang Kinh tế Đông Tây trải dài từ Việt Nam, Lào, Thái Lan và Burma (Myanmar)
Thành phố có diện tích 1.256,53 km² gồm 06 quận (Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Cẩm Lệ) và 02 huyện Hòa Vang, huyện đảo Hoàng Sa.
Dân số: 1.007.400 người (theo điều tra dân số 2014)
Giờ địa phương: UTC + 07:00
1. Đa dạng về cảnh quang thiên nhiên
Đà Nẵng là một thành phố biển với bãi biển dài hơn 60 km. Với bãi biển đẹp, trải dài thoai thoải và cát trắng miên man, Biển Đà Nẵng được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Ngụp lặn trong nước biếc, nô giỡn với những con sóng và tắm nắng trên bãi cát trắng mịn đủ để mang lại cho bất kỳ ai cảm giác thư giản sau những giờ làm việc. Không những vậy, có rất nhiều dịch vụ biển cho bạn trải nghiệm như canoing, dù kéo, lướt ván, chèo thuyền chuối, motor nước, lặn biển ngắm san hô.
Không chỉ trứ danh bởi những bãi biển đẹp, Đà Nẵng cũng mang nét hấp dẫn riêng biệt bởi vị thế tựa lưng vào dải Trường Sơn hùng vĩ, lại có bán đảo Sơn Trà vươn ra biển. Nhờ vậy, Đà Nẵng có con đèo Hải Vân được mệnh danh “Thiên hạ đệ nhất hùng quang” với cảnh quang nhìn ra biển vô cùng ngoạn mục và những khúc lượn hiểm trở. Từ ngày hầm đường bộ Hải Vân dài nhất Việt Nam được đưa vào sử dụng, xe cộ lưu thông Bắc Nam dễ dàng và an toàn hơn trước và đèo Hải Vân dần trở thành điểm đến của những người say mê thưởng ngoạn thiên nhiên hay cho những “cua rơ” muốn thử sức trên những con đèo dốc lượn.
Đà Nẵng còn có thương hiệu du lịch Bà Nà Hills. Được khám phá và xây dựng từ thời Pháp thuộc, khu du lịch Bà Nà ngày càng hấp dẫn du khách với hệ thống cáp treo đạt 2 kỷ lục thế giới và khu vui chơi giải trí trong nhà lớn nhất Đông Nam Á – Fantasy Park.
Bà Nà nằm về phía Tây thành phố còn hướng về phía Đông Bắc, du khách tiếp tục khám phá bán đảo Sơn Trà – khu rừng giữa thành phố với hệ động thực vật phong phú, với những bãi tắm hoang sơ mấp mô ghềnh đá. Rồi ngược về Đông Nam lại là danh thắng Ngũ Hành Sơn, không chỉ chứa đựng vẻ đẹp thiên nhiên mà còn có bề dày giá trị văn hóa và tôn giáo.
2. Môi trường sống thân thiện và sôi động Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều cảnh quang đẹp, Đà Nẵng còn là một thành phố đáng sống bởi sự trong lành và yên bình nơi đây. Từng liên tục giữ thứ hạng cao nhất nước về tốc độ phát triển kinh tế nhưng Đà Nẵng vẫn duy trì tốt an ninh trật tự, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và rất hiếm khi xảy ra tình trạng kẹt xe.
Đó là lí do mà du khách hoàn toàn thoải mái và yên tâm khi đi dạo khắp thành phố. Đến với Đà Nẵng, du khách sẽ được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản như mì Quảng, bánh tráng thịt heo, hải sản tươi sống ở hơn 150 nhà hàng cao cấp và đạt chuẩn.
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang đưa các hoạt động giải trí vào du lịch: trải nghiệm cảm giác đêm Đà Nẵng trên phố du lịch Bạch Đằng, thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí sau 24h.
Đà Nẵng hiện có sân golf 18 lỗ đã đạt nhiều giải thưởng quốc tế sẵn sàng đáp ứng sở thích của những yêu golf.
Với mục tiêu trở thành thành phố sự kiện, Đà Nẵng đã xây dựng các sự kiện du lịch lớn, trong đó Cuộc thi Trình diễn Pháo hoa Quốc tế – nơi phô diễn những màn pháo hoa tuyệt đẹp đến từ các nước đã trở thành sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng. Vào tháng 5/2011, Đà Nẵng lần đầu triển khai Cuộc thi dù bay Quốc tế. Tiếp đến tháng 6 là sự kiện “Điểm hẹn mùa hè” thường niên, quy tụ những hoạt động giải trí biển, thỏa mãn kỳ nghỉ hè của du khách.
3. Dễ tiếp cận
Rất thuận lợi cho du khách đến với Đà Nẵng. Đà Nẵng có sân bay quốc tế với công suất 6 triệu khách/năm và hiện có nhiều đường bay trực tiếp quốc tế. Cảng nước sâu Tiên Sa là nơi thường xuyên tiếp nhận du thuyền cao cấp, đưa du khách đến với Đà Nẵng. Đà Nẵng còn là trạm dừng chính của các tuyến xe lửa và xe khách.
4. Thành tựu và định hướng
9 tháng đầu năm 2011 có thể xem là được mùa của ngành du lịch thành phố Đà Nẵng. Tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 1.928.295 lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2010, đạt 92% kế hoạch năm 2011; trong đó khách quốc tế ước đạt 400.115 lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2010, đạt 89% kế hoạch năm 2011, khách nội địa ước đạt 1.528.170 lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2010, đạt 93% kế hoạch năm 2011. Tổng doanh thu chuyên ngành du lịch ước đạt 1.507 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2010 và đạt 100% kế hoạch năm 2011. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 3.768 tỷ đồng.
Theo quy hoạch được phê duyệt, từ nay đến năm 2015, thành phố Đà Nẵng sẽ ưu tiên phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển theo 3 hướng chính: – Du lịch biển, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, – Du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề, – Du lịch công vụ, mua sắm, hội nghị, hội thảo. Mục tiêu đến năm 2015 đón 4 triệu lượt khách, trong đó có 1 triệu khách quốc tế, với tổng số phòng khách sạn lên 21 ngàn phòng, trong đó hạng 4, 5 sao là 15.700 phòng.
GIỚI THIỆU LỊCH SỬ ĐÀ NẴNG
Năm 1306, Huyền Trân Công chúa kết duyên cùng Vua Chế Mân vị vua thứ 34 của vương quốc Chiêm Thành vào thế kỉ thứ 14. Đây là cuộc hôn nhân lịch sử này đã dâng về cho đất nước Đại Việt một vùng lãnh thổ rộng lớn – Thuận Châu và Hóa Châu.
Chỉ sau cuộc xuất chinh vĩ đại bình Chiêm của Lê Thánh Tông (1470) vùng đất này mới được bình ổn, biên cương Đại Việt được mở rộng đến Mũi Nạy (giữa Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay) và bắt đầu có những cuộc khai phá mở mang.
Vào giữa thế kỷ XVI, Hội An đã là thương cảng, trung tâm buôn bán sầm uất, trong khi Đà Nẵng chỉ mới giữ vai trò là vị trí tiền cảng, trung chuyển hàng hóa và tu sửa tàu thuyền.
Đến đầu thế kỷ XVIII, khi kỹ thuật đóng tàu thuyền ở Châu Âu phát triển với nhiều tàu trọng tải lớn, đáy sâu vào được vịnh Đà Nẵng, vì vậy Đà Nẵng trở thành trung tâm giao dịch mới và chủ yếu giữa xứ Đàng Trong và phương Tây.
Năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công vào vịnh Đà Nẵng.
Năm 1889, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thành phố Tourane (Đà Nẵng) thuộc tỉnh Quảng Nam và được xếp thành phố cấp 2.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, thành phố được mang tên nhà yêu nước Thái Phiên.
Tháng 3-1965, các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và xây dựng Đà Nẵng trở thành căn cứ quân sự lớn để bắt đầu chiến tranh Việt Nam
Vào lúc 14 giờ ngày 29-3-1975 Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng.
Ngày 30-8-1977 Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 228-CP hợp nhất các Quận I,II,III thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính thống nhất lấy tên là thành phố Đà Nẵng.
Ngày 01/01/1997, Đà Nẵng chính thức tách ra khỏi Quảng Nam và trở thành thành phố trực thuộc Trung Ương.
Từ 2003 đến nay: Sau khi được Chính phủ công nhận là đô thị loại 1, Đà Nẵng đã cải thiện cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, định hướng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội của duyên hải miền Trung và Việt Nam.
Ý tưởng tạo hình chủ đạo của logo chính là cách điệu 2 chữ D và N, hai chữ cái đầu tiên của tên Đà Nẵng. Đồng thời, để thế hiện ý tưởng về sự đa dạng và sức sống tươi trẻ của du lịch Đà Nẵng, các hình khối trong logo được kiến tạo từ những đường nét vươn lên khỏe khoắn và những màu sắc sống động. Để tăng hiệu quả thị giác, logo được tạo khối nhờ những nét chia cắt. Ấn tượng hình khối đặc biệt thể hiện rõ khi người xem quan sát từ xa. Các đường nét dứt khoát trong tạo hình giúp củng cố ý tưởng về sự vươn lên mạnh mẽ của Đà Nẵng. 5 hình khối trong logo tượng trưng cho 5 ngọn núi của Ngũ Hành Sơn. Với danh hiệu “Nam thiên danh thắng”, Ngũ Hành Sơn là một trong những biểu trưng sâu sắc gợi nhắc về du lịch Đà Nẵng. 5 hình khối với 5 màu chủ đạo đều là những gam màu tươi sáng mang đến cảm nhận về một thành phố trẻ, năng động. Mỗi màu sắc lại thể hiện một đặc trưng của du lịch Đà Nẵng. Màu xanh lá cây tượng trưng cho sự trong lành và gần gũi thiên nhiên. Màu vàng và cam là màu nắng chan hòa của xứ nhiệt đới đang nhuộm lấp lánh trên sóng, trên cát biển. Màu đỏ và tím là vẻ đẹp của sự nồng hậu, thân thiện của người dân Đà Nẵng. Và màu xanh dương, không gì khác hơn chính là gợi nhắc về một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh… Tất cả sự bay bổng về tạo hình và màu sắc này được đặt trên một chân đế vững vàng, đó là tên DANANG và Slogan “Fantasticity!”, từ đó tạo thành một thể thống nhất chặt chẽ và hoàn chỉnh. Bên cạnh những ý nghĩa rất rõ ràng, tạo hình của logo còn gợi lên hình ảnh của những cánh buồm căng gió. Không chỉ là một hình ảnh đầy chất thơ về một thành phố biển, những cánh buồm đón gió làm sức đẩy để vươn ra biển lớn còn là biểu tượng của sức sống trẻ trung và ý chí vươn tới mạnh mẽ. Đà Nẵng trong cảm nhận của tôi là một thành phố như vậy: trẻ trung, năng động và ngày một phát triển để vươn tới những thành tựu mới. Nhìn tổng thể, những mảng màu kết hợp lại trong hình dáng một đóa hoa sắp nở. Vừa biểu trưng cho một Đà Nẵng duyên dáng, một Đà Nẵng đầy hứa hẹn, đây còn là đóa hoa bừng nở trong lòng du khách khi dừng chân ở nơi đây. Không phải là một địa danh di sản như Huế, Quảng Nam, cũng chưa hẳn là một thành phố biển du lịch sôi động, sầm uất như Nha Trang, tuy nhiên trong chiến lược phát triển bền vững, Đà Nẵng đang dần tích lũy giá trị để phát triển một nền du lịch có tính đặc trưng: sự đa dạng, thân thiện của điểm đến, sự kết nối các di sản, sự gìn giữ và bồi đắp các giá trị truyền thống, sự hoàn thiện hướng đến các tiêu chuẩn sống và giá trị hiện đại… Tôi đã từng đọc một bài báo nói rằng, người Đà Nẵng không biết cách marketing cho du lịch của họ, nếu bạn hỏi người Đà Nẵng rằng xứ của anh có gì hay, anh ta sẽ ngắc ngứ không biết trả lời thế nào nhưng anh ta có thể đưa bạn đi, để bạn tự trải nghiệm và để những cảm nhận tốt đẹp về vùng đất miền Trung này dần nảy nở trong lòng. Và cảm nhận trong tôi là: Những nụ cười của chuyên viên hỗ trợ du khách, của các sứ giả du lịch, của đội ngũ Xích lô Du lịch khi đón chào du khách chính là tấm lòng hiếu khách của người Đà Nẵng. Những cây cầu độc đáo, hiện đại chính là biểu trưng cho sự phát triển năng động. Những bãi biển cát trắng mịn, đầy nắng ấm và lao xao sóng vỗ, những thảm rừng nguyên sinh còn chưa khám phá hết chính là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp Đà Nẵng mang đến cho du khách. Những làng nghề tản mác gợi nhắc về nét đẹp truyền thống xứ Quảng Đà đang chờ ngày khôi phục… Mỗi hình khối, mỗi sắc màu, mỗi vẻ đẹp mà du khách cảm nhận khi đến với Đà Nẵng như đang hé nở một cánh hoa thiện cảm. Để khi cảm nhận trọn vẹn nét đẹp của Đà Nẵng, giống như một đóa hoa đã bừng nở trong lòng, du khách có thể thốt lên lời ngợi khen “FantastiCity!” – “Tuyệt vời!” Slogan “FantastiCity!” là sự kết hợp giữa chữ “Fantastic” và chữ “city”, có nghĩa là thành phố tuyệt vời. Vì có chung một chữ “C” nên hai từ được ghép lại thành một nhưng vẫn có sự tách biệt rõ, điều này tạo nên sự lạ lẫm và cuốn hút. Hai chữ này tuy 2 mà giống như 1 và khi phát âm giống như một danh từ nào đó trong tiếng Anh vậy. Việc chọn lọc từ ngữ trong slogan mang đến một slogan dễ hiểu, dễ cảm nhận và không bị hiểu sai nghĩa. Cùng với dấu chấm than ở cuối, “FantastiCity!” chính là một nhận xét được thốt ra từ một người đang cảm thấy thích thú và hạnh phúc. Đây cũng chính là triết lý mà du lịch Đà Nẵng cần hướng đến: Sự vui vẻ và hạnh phúc của du khách khi khám phá, trải nghiệm một thành phố tuyệt vời!